Lượt xem: 3018
Sự giao thoa văn hóa tín ngưỡng thờ cúng ông Tà và ông địa
      Theo triết lý của Phật giáo “Tâm tuy vô hình nhưng lại là sợi dây liên hệ ràng buộc vạn hữu”. Còn Nho giáo thì cho rằng “Tâm động quỷ thần tri”, nghĩa là tâm ta thành kính mà cầu khẩn thần linh thì thần linh ắt thấu tỏ. Chính vì vậy, trong đời sống đôi khi tự trấn an tinh thần, hoặc giải tỏa tâm lý bản thân khi gặp phải những trắc trở trong công việc, chuyện làm ăn …, người ta hay dựa vào một nhân vật vô hình nào đó để khấn cầu, phổ biến và thường nghe nhất là “Vái Ông Tà, Ông Địa”, vấn đề này có thể là do tập tục dân gian, thói quen tín ngưỡng và theo nhận định của Nhà Văn Sơn Nam trong cuốn “Đình miếu và lễ hội dân gian” thì “Ý niệm về thiên – địa – nhân lắm khi linh cảm nhưng không lý giải được”.
Ông địa giữ nhà
    Trong tín ngưỡng dân gian Kinh – Hoa – Khmer, Ông Địa được xem như một vị Phúc Thần, không chỉ bảo vệ đất đai, mà còn mang phúc lộc, dẫn lối Thần Tài đến cho gia chủ. Mặt khác, Ông Địa còn biểu thị cho niềm vui với gương mặt lúc nào cũng tươi cười, phe phẩy quạt làm tươi mới không khí gia đình. Tuy nhiên, xoay quanh Ông Địa cũng có nhiều truyền thuyết.

    Theo truyện cổ tích dân gian, xưa kia có một quái thú được dân làng gọi là con Lân, nó thường hay quấy nhiễu dân lành. Ông địa là người đã chế ngự quái thú này dạy cho nó ăn chay, tu tâm dưỡng tánh. Và cứ vào những ngày đầu năm mới, Ông Địa lại dẫn Lân xuống núi mừng mọi người. Ông Địa và Lân đi đến đâu cũng chúc phúc lành, xua đuổi tà khí nên được mọi người chào đón và thưởng bằng cách treo giấy đỏ lì xì. Từ đó, tục múa Lân ngày Tết ra đời. Ngày nay, nhà nào có bàn thờ Ông Địa, Lân phải vái chào rồi mới múa.

    Lại có tài liệu cho rằng, tục thờ Ông Địa có nguồn gốc từ Trung Hoa với danh xưng đầy đủ là Địa chủ thần tài. Không chỉ quan niệm “Đất có Thổ công, sông có Hà bá” mà còn bắt nguồn từ tâm lý e sợ các hiện tượng tự nhiên mà con người chưa lý giải được. Đồng thời giải thích theo nguyên lý tương sinh của Ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ), thì Thổ sinh ra Kim, nghĩa là kim loại vàng bạc được lấy từ lòng đất lên mà Ông Địa là người cai quản đất, đương nhiên sẽ độ trì cho cuộc sống của gia chủ được giàu có, sung túc và bình an. Thế nên Ông Địa được xây dựng hình tượng là một người vui vẽ, nhàn nhã, bụng bự (đại phúc), lúc nào cũng chễm chệ cầm quạt phe phẩy “ngồi mát ăn bát vàng”. Chính sự dễ dãi, thoải mái nên khi có người nào đó tỏ ra hào phóng, bạn bè hay nói “Thằng này chơi mát trời ông Địa luôn”. Bên cạnh đó, ông địa được cho là vị thần luôn gần gũi với con người, nên khi bị thất lạc chìa khóa, ví tiền … người dân hay vái “Ông Địa giúp tìm được con cúng nải chuối”. Tuy nhiên, khi tìm lại được đồ thất lạc, người cúng nải chuối phải bẻ ăn trước nửa trái, vì truyền thuyết cho rằng Ông Địa bị ngộ độc nên sợ, không dám hưởng dùng.

Ông Tà giữ ruộng
     Theo sách Phật giáo Khmer Đồng bằng Nam Bộ của Kiêm Đạt, Ông Tà có nguồn gốc từ tín ngưỡng của người Khmer, đó là vị thần có quyền năng cai quản trong phạm vi phum – sóc hoặc một khu vực rộng lớn hơn, nên bà con ai nấy đều tôn kính với đức tin “Sống ở đâu, Thổ công ở đó”. Ngoài đồng cũng cần một vị thần cai quản ruộng đất, hoa màu là ông Tà. Vậy nên, nơi thờ cúng ông Tà có khi ngoài đồng, hay bờ ruộng, hoặc ở những ngôi miếu nhỏ, đơn sơ được làm bằng cây lá dựng ở khúc quanh con đường, ngã ba sông, hay dưới gốc cây to. Cũng có miếu thờ được xây to hơn bằng gạch đặt trong khuôn viên chùa …
     Hình tượng Ông Tà thường chỉ là hòn đá nhẵn. Và cũng giống như Ông Địa, ông Tà được cho là gần gũi và hay độ trì cho con người, nên khi bị thất lạc những vật dụng cá nhân, người ta cũng hay vái “Ông Tà độ hộ cho con tìm thấy”, nếu tìm được thì lễ vật trả ơn cũng chỉ là nải chuối chín và người cúng cũng phải ăn trước nữa trái để chứng tỏ thức ăn đó không độc. Có rất nhiều giai thoại cho rằng Ông Tà được thờ trên bọng cây, nếu đứa trẻ nào đó bướng bỉnh, cắc cớ ném ông xuống ruộng, nhất định vài hôm sau Ông sẽ trở về chỗ cũ. Ông Tà rất thương trẻ con, nên không bao giờ quở phạt trẻ dù chúng nghịch ngợm, nhưng với người lớn có hiểu biết mà làm bậy, thì bị Ông nghiêm trị. Thế nên, nhiều nơi công cộng, khu vui chơi, người qua đường cứ tiêu tiểu, xả rác rất mất vệ sinh, người quản lý, hoặc chủ đất thỉnh Ông Tà về thờ cúng, tuyệt nhiên không ai dám đến làm chuyện bậy bạ đó nữa.

    Cũng như người Việt, người Hoa, tín ngưỡng thờ Ông Tà của đồng bào Khmer là thể hiện niềm tin vào tổ tiên dòng họ, vào những vị thần bảo hộ xóm làng, để xin được cứu giúp mỗi khi bị thiên tai, dịch bệnh, mất mùa … với ước mơ một cuộc sống bình an. Vì sao lại có câu “ Ông Địa giữ nhà, Ông Tà giữ ruộng”, theo cuốn “Truyện kể dân gian Nam Bộ” của tác giả Nguyễn Hữu Hiếu, ngày trước, người dân Nam kỳ lục tỉnh thờ ông Tà trong nhà, chớ không phải Ông Địa. Nhưng rồi Ông Tà mải mê ngao du thiên hạ, ít lo chuyện dân tình, không quan tâm độ trì gia chủ. Từ khi Ông Địa vào nhà được thờ trang trọng, bao nhiêu đồ cúng đều dâng cho Ông, Ông Tà dần bị mất sủng, bị đẩy ra ngồi dưới gốc cây hoặc bìa ruộng, bìa vườn. Tức chí, ông Tà đến đình làng tìm thần Hoàng để kiện.

    Sau khi nghe rõ sự tình Thần Hoàng ôn tồn phân xử : “Ông Địa có công theo sát dân tình nên tiếp tục ở trong nhà, còn Ông Tà vốn thích du sơn ngoạn thủy, nên được thờ ngoài ruộng rẫy”. Nghe vậy, Ông Địa tươi cười, tay phe phẩy quạt, tay vỗ vai Ông Tà, nhã nhặn : “Tà cũng đừng buồn, dù ở trong nhà hay ngoài ruộng cũng cùng ở trên mảnh đất này, đều là anh em bạn bè. Tôi và anh hãy cùng hòa thuận, hợp nhau giúp đỡ, độ trì cho dân chúng làm ăn, giữ gìn đất đai”. Nghe chí lý, Ông Tà đổi giận làm vui.

                                                                                         Bài và ảnh: Sóc Ca.

TIN KHÁC

















Thống kê truy cập
  • Đang online: 59
  • Hôm nay: 440
  • Trong tuần: 5 111
  • Tất cả: 1893860
Bình Chọn
Khả năng đáp ứng thông tin của Website
  • Bình chọn Xem kết quả
    Cơ quan chủ quản: UBND HUYỆN LONG PHÚ - TỈNH SÓC TRĂNG                               
                    Địa Chỉ: Ấp 4 Thị trấn Long Phú, Huyện Long Phú, Tỉnh Sóc Trăn
                       Điện Thoại: 02993.857.430  Fax: 02993.857.430 . Email: vanphong.huyenlp@soctrang.gov.vn




    Người chịu trách nhiệm nội dung:.........................................................   
      Ghi Rõ Nguồn "UBND HUYỆN LONG PHÚ" Khi Phát Hành Lại Thông Tin Từ Website Này.